Tăng mức xử phạt hành chính đối với cá nhân trốn thuế thu nhập
Nghị định 125/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn vừa có hiệu lực từ ngày 05/12/2020 đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế so với các quy định pháp luật trước đó. Điểm mới quan trọng cần lưu ý là quy định về tăng mức xử phạt hành chính đối với cá nhân trốn thuế thu nhập. Trong bài viết sau đây, DTD sẽ trình bày rõ hơn về quy định này theo quy định của pháp luật.
1. Những hành vi nào bị coi là hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân?
Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 đưa ra định nghĩa về thuế như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.”
Như vậy, có thể hiểu hành vi trốn thuế là những hành vi nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân là những cá nhân không thực hiện khai báo, khai báo gian dối về mức thu nhập bản thân để không phải chịu thuế hoặc chịu mức thuế thấp hơn nhiều so với mức đúng phải chịu theo quy định pháp luật.
Mức thuế thu nhập cá nhân này được quy định chi tiết tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012 và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, cá nhân có thu nhập thường xuyên từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (đã giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế) có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế phải nộp dao động từ 5-35% phần thu nhập tính thuế.
2. Xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật hiện hành
Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế như sau:
“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.”
Như vậy, đối với 07 nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ nộp thuế được liệt kê tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo mức độ vi phạm mà một cá nhân có thể phải chịu mức phạt từ 1-3 lần số tiền trốn thuế.
So với Thông tư 166/2013/TT-BTC trước đó về Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, Nghị định 125/2020/NĐ-CP có một số sửa đổi quan trọng liên quan đến chủ thể chịu phạt và mức tiền xử phạt. Theo đó, Nghị định 125/2020/NĐ-CP vẫn giữ nguyên quy định về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế là từ 1-3 lần số tiền trốn thuế giống với Thông tư 166/2013/TT-BTC. Tuy nhiên, Nghị định 125/2020/NĐ-CP không còn phân chia các mức phạt riêng đối với từng nhóm chủ thể. Cụ thể, mức phạt được Nghị định đưa ra là mức phạt chung áp dụng với cả cá nhân và tổ chức. Đây là điểm mới so với Thông tư 166/2013/TT-BTC, khi Thông tư này quy định mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế của cá nhân chỉ bằng ½ mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế của tổ chức (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6).
Như vậy, so với quy định pháp luật trước đây, pháp luật hiện hành đã tăng gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân. Việc tăng nặng mức xử phạt này nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và hiệu quả trong công tác quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền.