QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÂN CHIA DI SẢN THEO DI CHÚC
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch di sản cho người còn sống theo sự định đoạt của người để lại di sản khi còn sống. Như vậy, khi người chết để lại Di chúc hợp pháp thì di sản được phân chia theo nội dung Di chúc trừ trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Vậy làm sao để di chúc hợp pháp và những người thừa kế được phân chia di sản theo đúng ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc? Trong phạm vi bài viết này, DTD sẽ phân tích và đưa ra góc nhìn pháp lý rõ nét hơn về phân chia di sản theo di chúc.
1. Việc phân chia di sản được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”):
“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”.
Theo đó, việc phân chia di sản được thực hiện theo nội dung của di chúc, nếu như nội dung của di chúc không chỉ định rõ phần di sản được hưởng của từng người thừa kế thì di sản sẽ được chia đều cho tất cả những người thừa kế được nhắc đến trong nội dung của di chúc.
Ngoài ra, không chỉ những người có tên trong di chúc mà căn cứ Điều 644 BLDS 2015, những người sau đây sẽ vẫn được hưởng thừa kế (mức hưởng bằng ⅔ suất của một người thừa kế theo pháp luật) dù nội dung di chúc không để lại tài sản cho họ:
Con chưa thành niên của người để lại di chúc.
Cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người để lại di chúc.
Con dù đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
2. Làm sao để di chúc hợp pháp?
Để di chúc hợp pháp cần đảm bảo về hiệu lực của di chúc, hình thức của di chúc… Căn cứ vào Điều 630 BLDS 2015, di chúc hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong lúc lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức của di chúc không trái quy định pháp luật…
Đồng thời, theo Điều 631 BLDS 2015, nội dung di chúc cần đảm bảo có những nội dung chủ yếu như: (i) Ngày tháng năm lập di chúc; (ii) Họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc; (iii) Thông tin bên được hưởng di sản và; (iv) Di sản được để lại, nơi có di sản.
Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
3. Thời điểm có hiệu lực của di chúc
Căn cứ Điều 643 BLDS 2015:“Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế”. Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 611 BLDS 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm người có tài sản chết. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.