Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Các quy định về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn khá mới, lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Những quy định mới này được thông qua nhằm thu hút người lao động từ nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, bảo đảm đối xử công bằng với lao động nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định quốc tế như hiện nay. Vậy cụ thể quy định như thế nào, những đối tượng nào tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu? Trong bài viết sau đây, DTD sẽ trả lời các câu hỏi này dựa trên các quy định pháp luật hiện hành.
1. Đối tượng người nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo pháp luật Việt Nam trước đây, người nước ngoài không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (đã hết hiệu lực) quy định:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam…”
Tuy nhiên, phạm vi về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được mở rộng hơn tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, không chỉ lao động Việt Nam mà lao động nước ngoài cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng áp dụng luật này như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
[...]
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.”
Điều khoản này được làm rõ hơn tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
“1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.”
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 2 Nghị định này cũng quy định:
“2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng);
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 kcủa Bộ luật Lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).”
Như vậy, một lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đáp ứng đủ 2 yếu tố:
(i) Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, và
(ii) Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lao động nước ngoài, dù đáp ứng đủ hai điều kiện nêu trên nhưng thuộc một trong hai trường hợp sau thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
(i) Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, di chuyển tạm thời sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng;
(ii) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là nghĩa vụ đối với cả lao động nước ngoài và người sử dụng lao động. Điều này được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.”
Nghĩa vụ này cụ thể với từng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
*Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động:
Khoản 1 Điều 12 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
“Điều 12. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.”
Như vậy, cho đến trước ngày 01/01/2022, lao động nước ngoài không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động hàng tháng phải đóng quỹ hưu trí và tử tuất bằng 8% mức tiền lương tháng.
*Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động:
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động có lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
“Điều 13. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.”
Tức là, kể từ thời điểm Nghị định 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực (01/12/2018), đến trước ngày 01/01/2022, người sử dụng lao động chỉ đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 01/01/2022, người sử dụng lao động, ngoài hai quỹ nêu trên, phải đóng thêm 14% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, theo quy định hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp lao động là người nước ngoài và lao động là người Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể (8% với người lao động, 17.5% với người sử dụng lao động trong trường hợp lao động là người Việt Nam, trong khi đó con số này lần lượt là 0% và 3.5% trong trường hợp lao động là người nước ngoài). Có sự khác biệt này là bởi chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài còn khá mới, doanh nghiệp cũng như người lao động cần thời gian để điều chỉnh và thích nghi với quy định. Mức đóng này sẽ được kéo dài cho đến hết năm 2021. Kể từ ngày 01/01/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động nước ngoài sẽ tương tự với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động Việt Nam (8% với người lao động, 17.5% với người sử dụng lao động) nhằm đảm bảo đối xử công bằng với lao động trong nước cũng như lao động nước ngoài.
Trên đây là một số quy định cơ bản liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lao động nước ngoài cần nắm vững những quy định này để thực hiện cũng như bảo vệ tốt nhất quyền lợi bản thân mình.