Vào ngày 01/09/2017 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (“Nghị định 102”) thay thế cho Nghị định số 83/2010/NĐ-CP nhằm điều chỉnh một số nội dung và quy định phù hợp hơn với nội dung các luật, bộ luật được ban hành trong thời gian qua về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, Điều 4 của Nghị định 102 quy định cụ thể về bốn (04) biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký, bao gồm: (i) thế chấp quyền sử dụng đất; (ii) thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (iii) cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; và (iv) thế chấp tàu biển.
Nghị định 102 cũng quy định rõ các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: (i) thế chấp tài sản là động sản khác; (ii) thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; và (iii) bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
Bên cạnh đó, phù hợp với quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 102 quy định thời điểm đăng ký đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký thay vì thời điểm nhận hồ sơ như quy định cũ. Đồng thời, trong trường hợp đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Thời điểm đăng ký đối với phần tài sản/nghĩa vụ đã được đăng ký trước đó sẽ không thay đổi.
Ngoài ra, Nghị định 102 cũng kế thừa và quy định chi tiết hơn về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, các trường hợp từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Đáng chú ý, Nghị định 102 còn quy định cơ quan đăng ký không được yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ gì mà pháp luật không quy định hay yêu cầu các bên sửa lại tên hoặc nội dung hợp đồng bảo đảm.
Nghị định 102 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2017.