TỔNG HỢP MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG CÁC LUẬT, BỘ LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/01/2021
Từ ngày 01/01/2021, một số Luật, Bộ luật quan trọng có hiệu lực pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân. Trong bài viết sau đây, DTD sẽ đưa ra một số điểm mới quan trọng mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần lưu ý.
1. Bộ luật Lao động năm 2019
Bộ luật Lao động 2019 có nhiều thay đổi quan trọng mà doanh nghiệp, người lao động cần lưu ý như sau:
(i) Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động: Bộ luật Lao động 2019 chỉ phân chia hợp đồng thành 02 loại là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn, xóa bỏ quy định về loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định;
(ii) Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do;
(iii) Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng;
(iv) Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình: Tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035;
(v) 02 trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước;
(vi) Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 01 tháng; Thời gian thử việc có thể kéo dài tới 180 ngày với công việc của người quản lý doanh nghiệp;
(vii) Thêm nhiều trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương;
(viii) Quy định mới về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho người lao động; người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng.
…....
Ngoài những điểm mới đáng chú ý được nêu trên, người lao động và người sử dụng lao động cần cập nhật thêm các điểm mới khác được nêu trong Bộ luật Lao động 2019.
2. Luật Doanh nghiệp năm 2020
Luật Doanh nghiệp 2020 có những nội dung mới đáng chú ý sau đây:
(i) Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định pháp luật;
(ii) Bổ sung thêm 03 nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp;
(iii) Bỏ quy định về thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng;
(iv) Rút ngắn thời hạn thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh: Từ 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh xuống còn 03 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
3. Luật Đầu tư năm 2020
Là một trong những đạo luật ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư năm 2020 được ban hành với nhiều điểm mới như sau:
(i) Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
(ii) Giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Từ 267 ngành nghề còn 227 ngành nghề;
(iii) Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư;
(iv) Bổ sung thêm hình thức ưu đãi đầu tư: Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế;
(vi) Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với Nhà đầu tư nước ngoài;
(vii) Đưa ra 4 trường hợp cho phép Nhà đầu tư không phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
4. Luật Chứng khoán năm 2019
So với Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán 2019 có một số thay đổi như sau:
(i) Thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(ii) Bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán;
(iii) Phải cam kết và thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
(iv) Công ty đại chúng chỉ được chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nếu hoạt động kinh doanh của năm liền trước có lãi.
5. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020
Lần đầu tiên, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để quy định cụ thể, rõ ràng về các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thay vì quy định rời rạc ở các văn bản pháp lý khác nhau:
(i) Thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP: Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP thu hẹp từ 08 lĩnh vực theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP xuống chỉ còn 05 lĩnh vực bao gồm: (1) Giao thông vận tải; (2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; (3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; (4) Y tế; giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin;
(ii) Đưa ra quy định chi tiết về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư theo phương thức PPP;
(iii) Phải công bố công khai thông tin dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
(iv) Thống nhất lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư: Cụ thể, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: (1) Đấu thầu rộng rãi; (2) Đàm phán cạnh tranh; (3) Chỉ định nhà đầu tư; (4) Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Ngoài các Luật, Bộ luật nêu trên, từ ngày 01/01/2021 một số Luật sau cũng có hiệu lực pháp luật, bao gồm: Luật Thanh niên 2020; Luật Tổ chức quốc hội sửa đổi 2020; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020; Luật Xây dựng sửa đổi 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020; Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020. Các tổ chức, cá nhân nên cập nhật các văn bản pháp luật mới để việc áp dụng pháp luật được chính xác và hiệu quả.