Một số điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 về minh bạch hóa nguồn vốn góp và xử lý sở hữu chéo
Những năm gần đây, do nền kinh tế tăng trưởng nóng nên nhu cầu về vốn của các ngân hàng trở nên lớn hơn. Áp lực về vốn quá lớn khiến nhiều ngân hàng quyết định thông qua sở hữu chéo để tăng vốn ảo. Sở hữu chéo được hiểu là việc 2 tổ chức sở hữu cổ phần lẫn nhau. Thông thường, sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp có tính trực tiếp. Tuy nhiên, trong ngành ngân hàng tạiViệt Nam, sở hữu chéo thường tồn tại một cách gián tiếp, ví dụ như khi một cá nhân/tổ chức sở hữu cổ phần tại cả Ngân hàng X và Ngân hàng Y thì Ngân hàng X và Ngân hàng Y là sở hữu chéo của nhau. Hình thức sở hữu chéo gián tiếp này rất tinh vi và khó kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái quyết liệt để minh bạch hóa nguồn vốn góp và xử lý sở hữu chéo như ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại điều 55 Luật các tổ chức tín dụng; ban hành quyết định phê duyệt Đề án 1058 về tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm việc ngăn chặn sở hữu chéo lũng đoạn;.. Một động thái được cho là cứng rắn nhất của các nhà quản lý và lập pháp trong năm 2017 vừa qua là việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017 trong đó bổ sung nhiều quy định mới về minh bạch hóa nguồn vốn góp và xử lý sở hữu chéo.
Một là, bổ sung quy định về trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan, theo đó Tổ chức tín dụng (“TCTD”) phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin về lợi ích liên quan của người quản lý, người điểu hành TCTD trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin công khai. (Khoản 4 Điều 39).
Hai là, sửa đổi, bổ sung thêm Điểm 1 Khoản c Điều 54 quy định nghĩa vụ của cổ đông phổ thông: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật”.
Ba là, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2017 đã hoàn thiện các quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng:
(i) Không được cấp tín dụng:
- Bổ sung quy định việc mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được coi là hoạt động cấp tín dụng để tuân thủ các quy định về cấm cấp tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
- Bổ sung quy định TCTD không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của Tổ chức tín dụng tại.
(ii) Hạn chế cấp tín dụng:
- Bổ sung quy định việc mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được coi là hoạt động cấp tín dụng để tuân thủ các quy định về hạn chế cấp tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
(iii) Giới hạn cấp tín dụng:
- Bổ sung quy định việc mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp do khách hàng và người có liên quan của khách hàng phát hành được coi là hoạt động cấp tín dụng để tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng tại Luật Các Tổ chức tín dụng 2010.
- Quy định giao NHNN hướng dẫn giới hạn, điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp
- Quy định giao Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể về điều kiện, hồ sơ, trình tự để chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn cấp tín dụng thông thường.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung thêm quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng 2010 chỉ quy định cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng thì đến Luật Sửa đổi, bổ sung lần này, các quy định này đã chi tiết hơn: “Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác”.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.