Điểm mới của giải quyết tranh chấp lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012

Điểm mới của giải quyết tranh chấp lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012

Điểm mới của giải quyết tranh chấp lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012

Ngày 20/11/2019, Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 (“BLLĐ 2109”) có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 để thay thế cho Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ban hành 18/06/2012( “BLLĐ 2012”). BLLĐ 2019 được ban hành với những cải cách lớn liên quan đến các vấn đề về lao động; mang tính ưu việt và phát triển hơn so với BLLĐ cũ. Trong đó, không thể không nhắc tới vấn đề về Giải quyết tranh chấp lao động. Tại bài viết này, DTD đề cập đến sự khác biệt trong vấn đề Giải quyết tranh chấp lao động giữa BLLĐ 2019 và BLLĐ 2012.

I. Đối với tranh chấp lao động cá nhân

1. Bổ sung thêm cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Điều 187 BLLĐ 2019 bổ sung thêm cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là Hội đồng trọng tài lao động. So với BLLĐ 2012 thì đây là quy định khá mới vì Hội đồng trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp lao động tập thể vì lợi ích và tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các đơn vị sử dụng lao động không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định (Khoản 2 Điều 199 BLLĐ 2012). Sở dĩ BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định như vậy nhằm nâng cao vai trò giải quyết tranh chấp của trọng tài. BLLĐ 2012 xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp cá nhân duy nhất bao gồm kết hợp hai loại thủ tục tố tụng: tố tụng ngoài Tòa án (được tiến hành bởi Hòa giải viên) và tố tụng dân sự tại Tòa án (Điều 200 BLLĐ 2012). Điều này có phần ràng buộc các bên vì tranh chấp lao động cá nhân là những tranh chấp mang tính đa dạng, phức tạp và đòi hỏi cơ chế giải quyết với những đặc thù riêng. BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm Hội đồng trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân nhằm khắc phục và linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Cụ thể quy định tại điều 187 BLLĐ 2019:

Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

1. Hòa giải viên lao động;

2. Hội đồng trọng tài lao động;

3. Tòa án nhân dân.” 

Như vậy, ngoài Tòa án và Hòa giải viên lao động, các bên có thể lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp của mình, giúp các bên có thêm quyền lựa chọn cơ quan giải quyết, bởi từng cơ quan có những ưu và nhược điểm khác nhau.

 

2. Về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

BLLĐ 2019 bổ sung các trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể yêu cầu đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, cụ thể được quy định tại khoản 4 Điều 190: “Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân”. Đồng thời bổ sung thêm thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Như vậy, quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho người lao động cũng như người sử dụng lao động thực hiện quyền yêu cầu của mình một cách tốt nhất, nhất là trong thời kỳ mà vấn đề lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như hiện nay.

3. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân

Khoản 3 Điều 181 BLLĐ 2019 quy định: “Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động”.

Như vậy có thể thấy, BLLĐ 2019 quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn chặt chẽ hơn, theo đó không chỉ đơn thuần là hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong giải quyết tranh chấp mà là cơ quan đầu tiên tiếp nhận yêu cầu, phân loại yêu cầu để giúp các bên thực hiện yêu cầu một cách thuận lợi hơn. Quy định này không chỉ thể hiện tính chuyên môn hóa cao mà còn giúp các cơ quan khác như tòa án giảm tải bớt khối lượng công việc, đồng thời giúp người lao động và người sử dụng lao động bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình.

II. Đối với tranh chấp lao động tập thể

1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Thay vì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thì BLLĐ 2019 đã quy định thẩm quyền thuộc về Hội đồng trọng tài lao động (điểm b, khoản 1 Điều 191 BLLĐ 2019). Như vậy, BLLĐ 2019 đã hạn chế sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động giải quyết tranh chấp lao động, phù hợp với bản chất của quan hệ lao động. Ngoài ra, khoản 2 Điều 191 và khoản 2 Điều 195 quy định trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công, tranh chấp lao động về quyền và lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Quy định như vậy với mục đích mong muốn rằng các bên sẽ có thể hòa giải được ngay từ giai đoạn hòa giải của hòa giải viên lao động và sẽ không cần thực hiện các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp

BLLĐ 2019 quy định có sự khác biệt về thời hiệu giữa các cơ quan giải quyết, cụ thể: Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động là 06 tháng; Hội đồng trọng tài là 09 tháng và Tòa án là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm (Điều 194 BLLĐ). Trong khi BLLĐ 2012 chỉ quy định thời hiệu yêu cầu là 01 năm áp dụng cho tất cả các hình thức giải quyết tranh chấp (Điều 207). Quy định mới này giúp các bên nắm rõ thời hiệu yêu cầu đối với từng cơ quan giải quyết khác nhau và chủ động hơn khi đưa ra yêu cầu. 

BLLĐ năm 2019 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, trước khi có hiệu lực, người lao động cũng như người sử dụng lao động nên tìm hiểu, nắm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bài viết liên quan

Thông báo