COVID19 - Ý THỨC BẢO VỆ CỘNG ĐỒNG VÀ HỆ QUẢ PHÁP LÝ
Ngày 6/3/2020, sau cuộc họp khẩn giữa lúc nửa đêm của UBND thành phố Hà Nội đã công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam (sau 23 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm mới), cũng là ca nhiễm đầu tiên tại thủ đô Hà Nội. Bệnh nhân là N.H.N, 26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội trở về từ Anh và “vượt qua vòng kiểm dịch” tại sân bay bằng cách khai báo không trung thực lịch trình di chuyển dẫn đến bệnh nhân cùng tất cả các hành khách trên chuyến bay VN0054 không được cách ly y tế kịp thời.
(Hình ảnh sưu tầm)
Điều này dẫn đến công tác kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn do các hành khách cùng chuyến bay VN0054 – người có nguy cơ cao nhiễm Covid -19 đã di chuyển đến nhiều nơi và tiếp xúc với mọi người xung quanh. Ngay lập tức, ban chỉ đạo phòng chống dịch đã yêu cầu lập danh sách khoanh vùng, cách ly nơi có người đã tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với bệnh nhân số 17 và trong trường hợp cần thiết phải tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Bên cạnh trường hợp của bệnh nhân số 17 vẫn có những trường hợp khác tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với người bệnh, đi từ vùng có dịch về có hành vi trốn cách ly. Cụ thể như hai trường hợp dưới đây:
+ “Chị B.V.A (sinh năm 1996 – Hà Nam) là người đi từ Nhật Bản về, nằm trong diện quản lý, cách ly y tế tại nhà tuy nhiên chị và chồng của mình đã di chuyển Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm trốn cách ly y tế, cơ quan chức năng địa phương sau đó đã tiến hành cách ly, giám sát y tế đối với vợ chồng chị.
+ “Ông L.T.H - Chủ tịch HĐQT công ty điện gió thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị - người nằm trong diện cần được cách ly theo dõi y tế đã đánh tráo để nhân viên thay mình cách ly y tế, sau khi cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp quyết liệt ông H đã ra trình diện thực hiện cách ly.”
(Hình ảnh sưu tầm)
Không chỉ dừng lại ở việc khai báo gian dối lịch trình di chuyển khi nhập cảnh và có hành vi trốn cách ly y tế, tính đến thời điểm hiện tại, việc khai báo gian dối số người tiếp xúc (F1) của bệnh nhân số 34 có lẽ là đáng trách, đáng bị lên án hơn cả. Ngày 10/3/2020 sau khi có kết quả dương tính với covid-19 của bệnh nhân số 34, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành thu thập thông tin những người đã tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân số 34 sau khi nhập cảnh tại Việt Nam bà đã đi thẳng về nhà và không tiếp xúc với ai, số người tiếp xúc với bệnh nhân là 17. Tuy nhiên, thực tế bà đã ở lại thành phố Hồ Chí Minh để gặp đối tác, đồng thời còn đi đến nhiều nơi ăn uống trên địa bàn Bình Thuận nâng tổng số người tiếp xúc với bệnh nhân tại thời điểm hiện tại là 46 người. Cơ quan chức năng cho biết hành vi khai báo nhỏ giọt của bệnh nhân khiến việc khoanh vùng và cách ly y tế gặp vô vàn những khó khăn và gây hoang mang cho mọi người sinh sống xung quanh.
(Hình ảnh sưu tầm)
Đây là những hành vi thiếu ý thức, thể hiện sự vô trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm bảo vệ cộng đồng trước một đại dịch vô cùng nguy hiểm. Đa số khi bị phát hiện, những người thực hiện hành vi trên sẽ nhận được vô vàn những chỉ trích từ những người xung quanh đặc biệt là cộng đồng mạng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “án phạt danh dự” xuất phát phía cộng đồng mạng và mọi người xung quanh.
Theo như DTD tìm hiểu được dưới góc nhìn pháp lý, hiện nay Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A – “gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rát nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh” (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007) , cũng được coi là “đại dịch” trên toàn thế giới như tổ chức WHO đã công bố. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, người có hành vi trốn cách ly y tế, cưỡng chế y tế có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Mặt khác, trong trường hợp những hành vi gian dối, trốn cách ly, cưỡng chế y tế dẫn đến hậu quả lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015:
“- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm với trường hợp làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người
- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Làm chết người.
- Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
+ Làm chết 02 người trở lên.”
Từ những căn cứ này có thể thấy những người thực hiện hành vi gian dối, trốn khai báo, cách ly và cưỡng chế y tế sẽ nhận được án phạt không hề nhỏ trước pháp luật khi mức hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm - nằm trong mức hình phạt của tội phạm rất nghiêm trọng.
Tất cả những phân tích trên là quan điểm của DTD dưới góc nhìn về pháp lý đối với những hành vi không có ý thức bảo vệ cộng đồng trước một đại dịch nguy hiểm như Covid-19. Đại dịch này không chỉ đe dọa tính mạng con người mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước, của toàn cầu. Minh chứng cụ thể là hiện nay Nhà nước ta đang phải cho tất cả học sinh, sinh viên nghỉ học để tránh dịch khiến cho biết bao các thầy /cô giáo tư thục không có thu nhập trong một thời gian dài; ngành du lịch “thất thủ”; các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác cũng “kiệt quệ” vì giảm giao thương, thậm chí đóng cửa tránh dịch. Bởi vậy, DTD mong muốn tất cả mọi người cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, hướng dẫn của Bộ y tế, của Đảng và Nhà nước để bảo vệ chính bản thân mình và bảo vệ mọi người xung quanh, chung tay đẩy lùi Covid-19, đưa đất nước ta trở lại nhịp sống bình thường.