CHẾ TÀI XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI MUA BÁN THÔNG TIN KHÁCH HÀNG
Trong thời đại công nghệ cao, bất kì doanh nghiệp nào cũng muốn sở hữu một lượng thông tin khách hàng khổng lồ để phục vụ mục đích “chốt sale” và mở rộng hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp hiểu được những rủi ro khi nắm trong tay loại thông tin nhạy cảm này. Nếu làm lộ hoặc mua bán thông tin khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải chịu những chế tài như thế nào đối với hành vi trên?
Qua bài viết này DTD sẽ phân tích và làm rõ chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán thông tin khách hàng.
1. Khái quát chung về hành vi mua bán thông tin khách hàng
Thông tin khách hàng (hay dữ liệu khách hàng – customer data) là những thông tin cá nhân (personal information) của người tiêu dùng, được tổng hợp và lưu trữ bởi các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng, trong đa số các trường hợp, sẽ buộc phải cung cấp những thông tin cá nhân cho các doanh nghiệp để phục vụ các giao dịch.
Hai thông tin cơ bản nhất thường được các bên thu thập là tên và số điện thoại. Đối với một số ngành đặc thù sẽ thu thập thêm các thông tin chi tiết hơn về người dùng nhằm mục đích nghiên cứu hành vi hay quảng cáo.
Hành vi mua bán thông tin khách hàng là việc cá nhân, tổ chức mua, bán dữ liệu khách hàng của mình cho một bên thứ ba khác nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, giá bán cho mỗi gói dữ liệu khách hàng dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy vào mức “tiềm năng” của khách hàng.
2. Chế tài áp dụng đối với hành vi mua bán thông tin khách hàng
Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như các luật về viễn thông, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử của Việt Nam đều đã có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” hay “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”.
Khoản 5 Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:
“5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.”
Như vậy, hành vi mua bán thông tin khách hàng là vi phạm pháp luật. Bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ của người chủ dữ liệu, người thu thập, xử lý dữ liệu, pháp luật Việt Nam còn quy định những chế tài xử phạt đối với các hành vi phát tán, chia sẻ thông tin cá nhân, tùy theo mức độ, hành vi mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
* Trách nhiệm hành chính
Theo Khoản 5 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:
“5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;”
Đối với hành vi mua bán, trao đổi thông tin khách hàng thì cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 50 triệu - 70 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi trên có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điểm a, Điểm b Khoản 9 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
* Trách nhiệm hình sự
Những người có hành vi mua bán thông tin dữ liệu khách hàng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Như vậy, pháp luật Việt Nam cũng đã có các chế tài khá nghiêm khắc với các đối tượng thu thập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người tiêu dùng.