THUẬN TÌNH LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
I. Yêu cầu tư vấn
Hỏi: Công ty Luật DTD cho tôi hỏi: Tôi là người Việt Nam, chồng tôi là người Đức. Chúng tôi đã đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhưng chưa ghi chú tại Việt Nam. Hiện tại tôi đang ở Việt Nam và chồng đang ở Thái Lan. Cả hai chúng tôi đều có mong muốn ly hôn thì thủ tục ly hôn như thế nào? Nếu chồng tôi vắng thì có thể thực hiện thủ tục này được không?
Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật DTD. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
II. Cơ sở pháp lý
1. Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Bộ luật tố tụng dân sự 2015”);
2. Luật Hôn nhân và gia đinh số 52/2014/QH13 ngày 19/06/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Luật Hôn nhân và gia đình 2014”);
3. Luật cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Luật cư trú 2006”);
4. Luật hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Luật cư trú 2014”);
5. Nghị định 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05 tháng 12 năm 2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (“Nghị định 111/2011/NĐ-CP”).
III. Nội dung tư vấn
(1) Theo thông tin được cung cấp, thì khách hàng và chồng đăng ký kết hôn tại đại sứ quán của Việt Nam tại Singapore.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Luật hộ tịch 2014:
“Điều 7. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch
3. Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài."
Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam đang sinh sống tại nước đó. Do vậy, khi về Việt Nam thì Giấy chứng nhận kết hôn đó vẫn có hiệu lực và không cần phải làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam.
(2) Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP:
“2. “Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.”
Vì hai vợ chồng bạn đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và chồng là người nước ngoài nên được xem là kết hôn có yếu tố nước ngoài theo Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Đồng thời, để giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được công nhận và sử dụng ở Việt Nam thì phải tiến hành thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Theo đó, bạn có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Tòa án Việt Nam
(3) Vì đây là kết hôn có yếu tố nước ngoài nên cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án nhân dân cấp tỉnh tại nơi cư trú của bạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 28, Khoản 3 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 37 và Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Ở đây, nơi cư trú được hiểu là “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú” (Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006)
(4) Nếu chồng bạn không thể tham gia phiên tòa xét xử tại Việt Nam thì chồng bạn có thể xin thực hiện việc xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 228 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
"Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu chồng bạn làm đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn sẽ tiếp tục giải quyết ly hôn kể cả khi chồng bạn vắng mặt.
(5) Trình tự, thủ tục và hồ sơ cần chuẩn bị
Bước 1: Vợ, chồng chuẩn bị giấy tờ xin ly hôn
• Đơn thuận tình ly hôn có chữ ký của cả hai bên
• Bản chính giấy Đăng ký kết hôn.
• Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (Bản sao công chứng)
• Bản sao giấy khai sinh của các con.
• Kèm theo giấy tờ chứng minh tài sản chung giữa vợ và chồng (nếu có yêu cầu chia tài sản).
• Đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
Bước 2: Nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền
Vợ, chồng xin ly hôn nộp các giấy tờ cần thiết và liên quan tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của bạn
Bước 3: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án
Trong thời hạn 07-15 ngày, nếu xét hồ sơ hợp lệ và đúng thẩm quyền, Tòa án thụ lý đơn, ra thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Thời hạn nộp lệ phí này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Đơn yêu cầu được thụ lý khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí.
Án phí ly hôn theo quy định pháp luật là 300.000 đồng. Nếu liên quan đến phân chia tài sản thì bạn phải chịu thêm án phí tương ứng với tỉ lệ tài sản
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu.
Bước 4: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu, mở phiên họp công khai để hòa giải và tiến giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời gian chuẩn bị này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Bước 5: Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
Lưu ý: Ở giai đoạn xét xử, chồng bạn có thể làm đơn yêu cầu xét xử vắng mặt để có thể vắng mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, ở giai đoạn hòa giải, chồng bạn bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa.