Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng trong tình hình dịch Covid-19

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng trong tình hình dịch Covid-19

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng trong tình hình Covid-19

Hỏi:

            Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD cho tôi hỏi: Tôi là hiện là giám đốc của một Công ty kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng lớn đến tình hình chung của nền kinh tế hiện nay. Bởi vậy, việc kinh doanh của Công ty tôi cũng bị đình trệ, không thu được lợi nhuận thậm chí phải bù lỗ. Để tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty trong khoảng thời gian này tôi muốn thực hiện cắt giảm nhân sự - chấm dứt hợp đồng lao động với một số nhân viên, chỉ để lại những nhân viên chủ chốt để giảm thiểu tối đa việc chi trả tài chính. Tuy nhiên, tôi muốn biết chắc chắn hiện pháp luật có cho phép doanh nghiệp được sa thải nhân viên trong trường hợp này không, nếu có thì Công ty chúng tôi phải thực hiện nghĩa vụ gì với người lao động? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

            Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

* Căn cứ pháp lý:

            + Bộ Luật Lao động năm 2012.

            + Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

            + Nghị định 148/2018/NĐ – CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động.

            - Covid – 19 hiện nay đã được coi là “đại dịch” và có sức lây lan ra hàng trăm nước trên thế giới theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Công ty bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có lý do bất khả kháng thuộc một trong các trường hợp: “Do địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời, Công ty đã phải “tìm mọi biện pháp khắc phục tình hình của Công ty nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc” (điểm c Khoản 1 Điều 38 Luật Lao động) trước khi đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với người lao động.

            - Công ty bạn phải thực hiện những nghĩa vụ sau đây đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

            + Thông báo cho người lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Lao động (“ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”).

            + Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (Điều 48 Luật Lao động: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”.

            Lưu ý: “Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có)” (Cụ thể hơn được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP) .

            + Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 8 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP).

            Bên cạnh đó, ngày 10/04/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cho đại dịch Covid-19, nội dung chủ yếu của Nghị quyết là đưa ra các mức hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh, bao gồm cả doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng tùy theo diễn biến của tình hình dịch. Vì vậy, DTD cũng kiến nghị Công ty bạn nên suy xét trợ cấp thêm cho người lao động và hướng dẫn giúp đỡ họ thực hiện thủ tục để nhận trợ cấp của Chính phủ khi thực hiện chấm dứt hợp đồng. Bởi vì, họ  là một trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi do Covid-19, cần nhận được sự giúp đỡ vào lúc này. 

Bài viết liên quan

Thông báo