Hỏi: Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD cho tôi hỏi: Tôi làm việc cho một công ty xây dựng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ 01/03/2015 và có đóng bảo hiểm xã hội liên tục kể từ ngày bắt đầu ký hợp đồng. Vừa qua, từ ngày 6/10 - 17/10/2020, tôi nghỉ việc tại công ty và không báo trước để chăm sóc bà ngoại bị ốm nặng đang nằm viện. Sau khi tôi trở lại công ty làm việc, giám đốc công ty đã tiến hành xử lý kỷ luật sa thải đối với tôi vì cho rằng lý do tự ý nghỉ việc của tôi là không chính đáng. Tuy nhiên, tôi thấy rằng việc mình nghỉ để chăm sóc bà ngoại ốm là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật bởi người lao động có quyền được nghỉ việc không cần xin phép nếu thân nhân bị ốm và có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh. Tôi có thể làm gì trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của mình? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2012
-Luật việc làm 2013
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động
Thứ nhất, về lý do nghỉ việc: Theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 (được hướng dẫn cụ thể tại điểm b khoản 2 điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP), người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp như: Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Do đó việc bạn tự ý nghỉ việc để chăm sóc bà ngoại ốm sẽ không được coi là lý do chính đáng.
Thứ hai, về việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải: Khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:
“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau: Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.”
Theo đó, bạn đã tự ý nghỉ việc không báo trước và không có lý do chính đáng trong thời gian kể từ ngày 6/10 - 17/10/2020. Tổng thời gian bạn tự ý bỏ việc đã vượt quá 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng. Do vậy, người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn
Thứ ba, về hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng lao động: Theo quy định tại khoản 2 điều 47 Bộ luật lao động năm 2012, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Như vậy, trong thời hạn nêu trên, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán tiền lương và các loại phụ cấp hỗ trợ (nếu có) chưa thanh toán tính đến ngày làm việc cuối cùng cho bạn. Bên cạnh đó, công ty có nghĩa vụ hoàn thành xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các giấy tờ có liên quan.