Hợp đồng mua bán hàng hoá không có thoả thuận về thời điểm chuyển rủi ro
Hỏi: Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD cho tôi hỏi: Ngày 01/12/2020 vừa qua, Công ty tôi (trụ sở tại TP. HCM) có ký hợp đồng mua bán máy tính số 03/HĐMBHH với Công ty Máy tính Thuận An (trụ sở tại Vinh, Nghệ An). Vào thời điểm Công ty tôi và đối tác ký hợp đồng, hàng hóa đang trên đường vận chuyển từ TP.HCM về Vinh. Sau đó tàu hàng gặp nạn khiến toàn bộ hàng hóa trên tàu bị hư hỏng, không thể khôi phục. Tuy nhiên, trong hợp đồng đã ký kết, hai công ty chúng tôi lại không có thỏa thuận chi tiết về thời điểm chuyển rủi ro. Vậy cho tôi hỏi, rủi ro này sẽ thuộc về phía Công ty tôi hay Công ty Thuận An? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật Thương mại năm 2005
Trong hợp đồng số 03/HĐMBHH được ký giữa Công ty bạn và Công ty Thuận An, bên mua và bên bán không có thỏa thuận chi tiết về thời điểm chuyển rủi ro. Vì vậy, rủi ro về hàng hóa trong trường hợp này sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Thương mại 2005. Theo đó, có hai trường hợp có thể phát sinh như sau:
Trường hợp 1: Đối tượng của hợp đồng do hai bên thỏa thuận là hàng hóa đang trên đường vận chuyển
Điều 60 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
“Điều 60. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.”
Theo thông tin mà bạn cung cấp, vào thời điểm Công ty bạn và Công ty Thuận An ký hợp đồng số 03/HĐMBHH, hàng hóa đang trên đường vận chuyển từ TP.HCM về Vinh. Nói cách khác, đối tượng của hợp đồng thay vì ở vị trí cố định thì lại đang trên đường vận chuyển khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Như vậy, căn cứ theo Điều 60 Luật thương mại 2005, kể từ thời điểm Công ty bạn và Công ty Thuận An ký hợp đồng số 03/HĐMBHH, rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng đối với hàng hóa (đối tượng của hợp đồng đã ký kết) được chuyển giao cho Công ty Thuận An (bên mua).
Trường hợp 2: Hai bên thỏa thuận rằng đối tượng của hợp đồng không phải là hàng hóa đang trên đường vận chuyển
Trong trường hợp này, đối tượng của hợp đồng do hai bên thỏa thuận không phải là hàng hóa đang trên đường vận chuyển mà chỉ là hàng hóa thông thường. Khi tàu gặp nạn, hàng hóa do bên bán chiếm hữu, bảo quản và vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán. Đối với trường hợp này, khoản 1 Điều 441 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: “Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu trách nhiệm đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo quy định này, có thể thấy khi các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ thỏa thuận hàng hóa với tên gọi, đặc tính, số lượng, chủng loại,...mà không thỏa thuận hàng hóa đó là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì bên bán (trong trường hợp này là công ty bạn) sẽ phải chịu rủi ro về hàng hóa.
Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy khi Công ty bạn và Công ty Thuận An thỏa thuận trong hợp đồng rằng đối tượng hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro đối với hàng hóa đó sẽ thuộc về phía Công ty Thuận An kể từ thời điểm hai bên ký kết hợp đồng. Mặt khác, nếu đối tượng của hợp đồng không phải là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì bên bán là Công ty bạn sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro đối với hàng hóa cho đến thời điểm bên mua nhận đầy đủ hàng.