MASCHIO ĐĂNG HÌNH TRƯƠNG THẾ VINH TRÊN FANPAGE CÓ PHẢI HÀNH VI QUẢNG CÁO?
Xã hội ngày càng phát triển, các mạng xã hội như facebook, zalo, twitter, cũng đang dần trở thành những kênh thông tin hữu ích cho người dùng. Cùng với đó, vấn đề sử dụng thông tin để truyền tải hay đăng tải trên các kênh thông tin này cũng cần được xem xét dưới góc độ pháp luật. Trong thời gian gần đây đã xảy ra một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến nhãn hàng Maschio đăng hình ca sĩ, người mẫu Trương Thế Vinh mặc áo của hãng trên fanpage, cụ thể vụ việc như sau:
Vào ngày 18/7: Nhãn hàng Maschio đăng hình ảnh của Trương Thế Vinh mặc đồ của nhãn hàng này lên trang fanpage của hãng, kèm với nội dung bài viết như sau: “Mẫu áo sơ mi siêu hot của Maschio là đây ạ… Anh em hãy ghé qua các cửa hàng của Maschio để sở hữu ngay em ấy nhé…”
Đến ngày 24/7: Trương Thế Vinh cho rằng nhãn hàng thời trang này tự ý sử dụng hình ảnh của anh để quảng cáo thương hiệu mà không xin phép, và yêu cầu nhãn hàng Maschio trả 25 triệu đồng tiền bản quyền hình ảnh cho 5 ngày sử dụng ảnh của anh trên fanpage của đơn vị này.
Nhãn hàng đáp lại như sau: Hãng đã không để logo, không nêu tên Trương Thế Vinh là đại diện thương hiệu, hãng cho rằng: “chúng tôi không dùng hình ảnh của bạn quảng cáo cho Maschio, mà chỉ nói bạn đang mặc đồ của Maschio”.
Căn cứ vào những tình tiết của vụ việc được báo chí đưa tin, cùng với đối chiếu các văn bản quy định pháp luật liên quan, DTD sau đây đưa ra một số những phân tích và nhận định của mình liên quan đến quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo liên quan đến vụ việc này.
Theo Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 có quy định:
1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
3. Sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.
Điều 17. Phương tiện quảng cáo
2. Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
Căn cứ vào nội dung vụ việc, Maschio đã đăng tải các sản phẩm, dịch vụ trên fanpage chính thức của mình trên mạng xã hội Facebook. Facebook cho phép người dùng lập các “Business page” (Trang thương mại). Trên Business page, chủ sở hữu trang này có thể thêm vào chức năng “Shop” (Cửa hàng) để đăng tải các sản phẩm mà mình kinh doanh. Mục đích lập ra trang thương mại đó là nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân tiến hành kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa đó. Theo thông tin vụ việc được đăng tải, Maschio đã lập fanpage trên facebook, fanpage này có chức năng “shop”, trong đó đăng tải các sản phẩm của Maschio. Đồng thời, trang fanpage này cũng có đường link dẫn thẳng đến website thương mại điện tử của thương hiệu này. Do vậy, trang fanpage của Maschio là một trang thương mại được lập ra với mục đích giới thiệu đến công chúng hàng hóa, sản phẩm của Maschio và giới thiệu về tổ chức kinh doanh những sản phẩm hàng hóa đó - ở đây chính là nhãn hàng Maschio. Theo nhận định của chúng tôi, trang fanpage của Maschio nói riêng và các trang fanpage khác nói chung là một phương tiện quảng cáo phù hợp với Điều 17.2 Luật Quảng cáo 2012 (“Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác”).
Đồng thời xét các tình tiết liên quan đến vụ việc, DTD nhận định nhãn hàng Maschio có khả năng đã vi phạm quy định liên quan đến hành vi quảng cáo bị cấm và vi phạm quyền nhân thân của ca sĩ Trương Thế Vinh theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Hình ảnh của ca sĩ, người mẫu này khi không có sự đồng ý của họ, sẽ không thể được sử dụng bởi một cá nhân, tổ chức khác. Tùy thuộc vào nguồn gốc và tác giả các bức ảnh, sẽ có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể vấn đề này. Theo đó ca sĩ Trương Thế Vinh hoàn toàn có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm và chịu phạt vi phạm hành chính. Liên quan đến việc xác định “thù lao cho người có hình ảnh” hiện nay chưa có một văn bản nào quy định cụ thể, do đó, Trương Thế Vinh, có thể căn cứ vào mức thù lao thông thường được trả theo thỏa thuận với các cá nhân, tổ chức khác khi sử dụng hình ảnh của mình để yêu cầu bên vi phạm thanh toán.
Căn cứ những phân tích nêu trên và xét việc sử dụng các kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội ngày càng phổ biến tại các quốc gia, DTD nhận định, đó là các phương tiện quảng cáo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, do đó, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng phương tiện này nhằm mục đích quảng cáo, cần tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó bao gồm việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, tổ chức khác.