LAO ĐỘNG NHẬP CƯ TRÁI PHÉP DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT ANH

LAO ĐỘNG NHẬP CƯ TRÁI PHÉP DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT ANH

LAO ĐỘNG NHẬP CƯ TRÁI PHÉP DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT ANH

Trong những ngày này, vụ việc 39 người chết trong container tại Anh được xác định toàn bộ là người Việt Nam đang được dư luận rất quan tâm. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến 39 người này nhập cư trái phép vào Anh có thể là để tham gia lao động một cách bất hợp pháp. Từ vụ việc trên có thể thấy vấn đề lao động vượt biên/ nhập cư trái phép đã ngày càng nghiêm trọng những năm gần đây. Trong khi đó, những người liên quan trực tiếp và bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người lao động đang có ý định xuất khẩu lao động/ ra nước ngoài lại chưa hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Dưới đây, Công ty luật DTD xin được đưa ra một số phân tích và nhận định về vấn đề lao động nhập cư trái phép qua nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật Anh.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động phổ thông muốn đi làm ở các nước châu Âu có thể thông qua hai cách sau đây:

(i) Thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.

(ii) Thông qua ký hợp đồng cá nhân. Người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở Lao đông – Thương binh- Xã hội các địa phương, được Sở Lao động- Thương binh-Xã hội các địa phương thẩm định và chấp thuận.

Như vậy thủ tục để được đi lao động tại nước ngoài luôn được sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan có thẩm quyền. Việc một số bộ phận người lao động mong muốn có con đường đi xuất khẩu lao động nhanh nhất có thể, đã khiến họ vi phạm một số quy định pháp luật, cụ thể như sau:

Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định những hành vi bị nghiêm cấm đáng chú ý:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

4. Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.”

Đối với hành vi này, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức phạt đối với việc đi làm việc ở khu vực không được nước tiếp nhận lao động cho phép. Tuy nhiên, việc thực hiện hành vi cấm này cũng dẫn đến các vi phạm liên quan đến quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại tại Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tùy thuộc vào từng vi phạm, mức phạt được quy định từ 3.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Hiện nay, chỉ có 9 quốc gia ở Châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp, trong đó không có Vương Quốc Anh. Do vậy, căn cứ theo khoản 4 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi đi làm việc ở Vương Quốc Anh là hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh việc xem xét pháp luật Việt Nam, DTD cũng đưa ra một số quy định của Vương quốc Anh về vấn đề này, có thể thấy: theo Luật nhập cư 2016 (“Immigration Act 2016”) của Anh, điều 34, 35 đã quy định rõ ràng về chế tài cho hành vi “Lao động bất hợp pháp” như sau:

Khoản 3, mục 24B, Điều 34 Immigration Act 2016:

(3) Một người phạm tội theo tiểu mục (1) phải chịu bản án rút gọn (phán quyết mà không có sự tham gia của bồi thẩm đoàn) như sau:

(a) ở Anh và xứ Wales, bị phạt tù với thời hạn không quá 51 tuần hoặc phạt tiền, hoặc cả hai,

(b) tại Scotland hoặc Bắc Ireland, bị phạt tù với thời hạn không quá 6 tháng hoặc phạt tiền không vượt quá mức 5 theo thang chuẩn hoặc cả hai.

Nguy hiểm hơn cả, những người nhập cư trái phép không có giấy tờ chứng minh nhân thân, quốc tịch, và do đó trong nhiều trường hợp không được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật. Họ phải sống trong điều kiện khó khăn, làm những công việc bất hợp pháp và luôn trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện để những lao động phổ thông có nhu cầu xuất khẩu lao động được đi làm việc một cách hợp pháp. Chính vì vậy, người lao động trước khi có ý định đi xuất khẩu lao động nên tìm hiểu kỹ và tuân thủ pháp luật để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Một vấn đề được dư luận quan tâm nữa là liệu những người tổ chức đường dây dẫn người đi lao động bất hợp pháp này sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật? DTD sẽ phân tích cụ thể nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Bài viết liên quan

Thông báo