ASANZO –  MINH OAN CHO BẢN THÂN HAY LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG???

ASANZO – MINH OAN CHO BẢN THÂN HAY LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG???

ASANZO –  MINH OAN CHO BẢN THÂN HAY LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG???

          Liên quan đến hàng loạt bài viết điều tra của Báo Tuổi trẻ về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam kinh doanh hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Ngày 17/09/2019, Asanzo đã mở cuộc họp báo và đưa ra một loạt bằng chứng để “minh oan” – trong đó có công bố thư xác nhận được Asanzo khẳng định là của Sharp Roxy Hong Kong về mối quan hệ với Asanzo (trước Asanzo cũng đã công bố lá thư này vào ngày 12/09/2019). Đồng thời Asanzo khẳng định Sharp Roxy Hong Kong là một công ty trực thuộc của Sharp Corporation (Nhật Bản). Do đó, “Asanzo sử dụng slogan công nghệ Nhật Bản là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam” – ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Asanzo phát biểu tại cuộc họp báo. Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 19/09/2019, Sharp Electronics Việt Nam đã chính thức lên tiếng khi cho rằng bằng chứng mà Asanzo đưa ra là giả mạo với lập luận rằng: Ngày 31/10/2016 Sharp Roxy Hong Kong đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng Công ty Roxy và hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp Roxy Hong Kong thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong. Bởi vậy, kể từ ngày 31/10/2016 công ty Sharp – Roxy Hong Kong đã không còn tồn tại, do đó việc Sharp Roxy Hong Kong gửi thư xác nhận cho Asanzo vào ngày 12/09/2019 là “không thể xảy ra”.

          Vào thời điểm hiện tại, các bên liên quan vẫn chưa có thông tin chính thức hoặc bằng chứng hoàn toàn xác thực để đánh giá tính trung thực và chính xác của văn bản từ Sharp-Roxy Hong Kong. Các phân tích dưới đây của DTD được đưa ra trên cơ sở giả định cáo buộc của Sharp Eleectronics Việt Nam được chứng minh là có căn cứ. Trong trường hợp đó, Asanzo có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi có các dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

          Điều 198 BLHS 2015 quy định về Tội lừa dối khách hàng, “thủ đoạn gian dối khác” có thể được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như đã thỏa thuận ban đầu. Hậu quả của hành vi lừa dối khách hàng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, nhưng thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi lừa dối khách hàng là gây thiệt hại vật chất cho khách hàng, làm cho khách hàng mất đi một phần số lượng hàng hóa hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Theo đó, nếu hành vi công bố lá thư từ Sharp-Roxy Hong Kong của Asanzo được chứng minh là hành vi giả mạo, hành vi này có thể cấu thành hành vi gian dối, có dấu hiệu phạm tội theo quy định tại Điều 198 BLHS 2015.  

          Bên cạnh vấn đề liên quan tới pháp luật và hình sự nêu trên, hành động này của Asanzo, trong trường hợp được xác minh là đúng, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Sharp nói riêng cũng như ngành sản xuất điện tử nói chung tại Việt Nam, ngoài ra sự việc này có thể làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng điện tử trong nước. Từ đó, làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng điện tử nội địa với nước ngoài trong khi xu hướng “sính ngoại” của người Việt đang ngày càng gia tăng.

Trên đây là những quan điểm dưới góc nhìn của DTD và dựa trên những thông tin thu thập được trên cơ sở thông tin công khai và các giả định được đưa ra ở trên. Việc đánh giá tính xác thực của cáo buộc Asanzo sử dụng giấy tờ, bằng chứng giả mạo cũng như xem xét hậu quả pháp lý của vấn đề này cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhằm tránh sự “vu oan” cho một thương hiệu đồng thời bảo vệ tối đa cho quyền lợi của người tiêu dùng. 

Bài viết liên quan

Thông báo