VỤ VNG KIỆN TIKTOK: VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

VỤ VNG KIỆN TIKTOK: VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

VỤ VNG KIỆN TIKTOK: VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Vừa qua, VNG - Một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam đã khởi kiện TikTok do xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và đòi bồi thường thiệt hại hơn 221 tỉ đồng. Cụ thể, VNG cáo buộc TikTok đang sử dụng các bản ghi âm thuộc sở hữu của Zing - Công ty con của VNG, mà chưa có sự đồng ý bản quyền từ phía công ty. Cũng trong cáo buộc này, Zing cho biết đã thống kê được có tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm mà Zing giữ quyền sở hữu và khai thác hiện bị sử dụng trái phép trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.

Trước hành vi này, VNG cho rằng TikTok đã xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại nặng nề cho phía VNG. VNG đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, “yêu cầu TikTok xóa tất cả các đoạn nhạc lấy từ Zing khỏi ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu USD)” (theo nội dung đơn kiện). Vụ việc đang được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý.

Trên đây là một vụ việc điển hình về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Đối với vụ việc như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bên nguyên đơn cần nộp đơn khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền nào để được thụ lý giải quyết? Trong bài viết này, DTD sẽ phân tích rõ thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài thông qua vụ việc VNG kiện Tik Tok.

 

Vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Căn cứ Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng:

[...]

“2. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”

Theo đó, vụ việc tranh chấp trên xảy ra với bên bị đơn - TikTok Inc. là pháp nhân có quốc tịch nước ngoài (công ty mẹ của TikTok Inc. là ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc). Vì vậy, có thể xác định được đây là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi có một bên đương sự là pháp nhân nước ngoài.

Giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ do Tòa án hoặc Trọng tài thương mại tiến hành theo sự thỏa thuận của các bên tham gia. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 30 BLTTDS 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”, như vậy các bên có quyền lựa chọn Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án trên.

 

Tòa án Việt Nam hay Tòa án Trung Quốc có thẩm quyền thụ lý vụ án trên?

Điểm 6 Khoản 1 Điều 18 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa quy định:

Điều 18. Thẩm quyền xét xử

1. Để thực hiện Hiệp định này, Tòa án của một trong hai Bên ký kết ra quyết định sẽ được coi là có thẩm quyền đối với vụ việc, nếu:

[...]

6. Trong trường hợp phát sinh trách nhiệm ngoài hợp đồng, hành vi gây thiệt hại hoặc hậu quả của hành vi này xảy ra trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo Điểm đ Khoản 1 Điều 469 BLTTDS 2015:

Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;”

VNG là pháp nhân có quốc tịch Việt Nam, cáo buộc TikTok Inc. là pháp nhân có quốc tịch Trung Quốc đã có hành vi sử dụng các bản ghi bài hát thuộc bản quyền của Zing mà chưa được sự đồng ý về bản quyền. Như vậy, đối tượng của tranh chấp này là tài sản trí tuệ do Zing giữ quyền sở hữu, được coi là “tài sản trên lãnh thổ Việt Nam”. Do đó, vụ việc tranh chấp đối với các bản ghi thuộc sở hữu của Zing được thụ lý bởi Tòa án Việt Nam.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp tỉnh:

Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;”

Đương sự, cụ thể là Bị đơn trong vụ án “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” - Tik Tok là pháp nhân nước ngoài nên việc Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp nhận thụ lý Đơn khởi kiện của VNG để giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật. 

Như vậy, khi một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh, việc xác định Tòa án quốc gia nào có thẩm quyền giải quyết là rất quan trọng, là bước đầu nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết một cách thuận lợi. Diễn biến tiếp theo của vụ kiện trên sẽ được DTD liên tục cập nhật và đưa gia đánh giá khách quan dựa trên khía cạnh pháp lý trong các bài viết sắp tới.

Bài viết liên quan

Thông báo