TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ Ở NƯỚC NGOÀI

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ Ở NƯỚC NGOÀI

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ Ở NƯỚC NGOÀI

Hỏi:

Công ty luật TNHH Quốc tế DTD cho tôi hỏi: Hiện tại Công ty tôi có dự định đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng và phát triển doanh nghiệp.Tuy nhiên, theo như tôi được biết quy trình để đầu tư ra nước ngoài phức tạp hơn so với đầu tư trong nước. Vì vậy, mong quý Công ty tư vấn cho tôi trình tự để triển khai hoạt động này theo quy định của pháp luật hiện hành. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Quốc tế DTD. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

*Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư 2014.
  • Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.

+      Thông tư số 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

* Trình tự thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau:

Bước 1: Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài

Công ty bạn thực hiện mở một tài khoản vốn riêng tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối (Điều 63 Luật đầu tư 2014: Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”.

Bước 2:  Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

- Theo quy định tại Điều 64 Luật đầu tư 2014, Công ty bạn thực hiện chuyển vốn đầu tư ra để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

+ Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;

+ Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 Luật đầu tư 2014.

 

Lưu ý: Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Bên cạnh đó, Công ty bạn có thể thực hiện chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 83/2015/NĐ-CP.  Đồng thời, các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 19 Nghị định 83/2015/NĐ-CP cũng đưa ra một số lưu ý như sau:

- Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng liên quan tới ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ.

- Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết về quản lý ngoại hối đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (cụ thể trong Thông tư 12/2016/TT-NHNN)

- Việc chuyển vốn bằng máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc chuyển máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài để thực hiện một số hoạt động đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 19.

 

Bước 3. Chuyển lợi nhuận về nước

- Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, Công ty bạn phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam. Trừ trường hợp quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2014 (“Trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 của Luật này”). 

Trường hợp quá thời hạn 6 tháng mà Công ty bạn chưa chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam, Công ty phải có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 06 tháng và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản.

Bước 4. Sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài

Sau khi thu được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Công ty bạn có thể sử dụng phần lợi nhuận này để để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 Luật đầu tư 2014, nhưng “phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Trường hợp dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó và phải đăng ký tài khoản vốn, tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

 

Trên đây là trình tự triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài mà DTD đưa ra dựa trên các quy định của pháp luật nhằm giúp Công ty bạn tham khảo để có thể có phương hướng cho hoạt động đầu tư kinh doanh sắp tới của mình.

Bài viết liên quan

Thông báo