DỊCH COVID-19: GÓC NHÌN PHÁP LÝ VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG

DỊCH COVID-19: GÓC NHÌN PHÁP LÝ VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG

DỊCH COVID-19: GÓC NHÌN PHÁP LÝ VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG

Hiện nay, do diễn biến ngày càng phức tạp của Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện dãn cách xã hội khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này, sẽ dẫn đến hàng loạt các hệ quả khác nhau về kinh tế, trong đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp tham gia thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên quốc gia. Vậy liệu rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 có được coi là “sự kiện bất khả kháng” theo pháp luật của Việt Nam và quốc tế hay không và đối với các hợp đồng thương mại quốc tế khi xuất hiện sự kiện này sẽ có hệ quả ra sao? Dưới đây DTD xin đưa một vài phân tích khái quát dựa trên quan điểm của mình dưới góc nhìn pháp lý.

            “Sự kiện bất khả kháng” được pháp luật Việt Nam “định nghĩa” tại khoản 1 Điều 56 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo căn cứ này, có thể hiểu sự kiện bất khả kháng là sự kiện nằm ngoài ngoài phạm vi, tầm kiểm soát của con người như thiên tai, địch họa, bệnh dịch mà tại thời điểm thực hiện thỏa thuận hoặc trong quá trình thực hiện thỏa thuận các bên không thể biết được, lường trước được hậu quả có thể xảy đồng thời không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp trong khả năng cho phép.

            Như chúng ta đã thấy, dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra bất ngờ, không ai có thể lường trước được và để ngăn chặn Covid-19, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội khiến nhiều doanh nghiệp phải “đột nhiên” dừng hoạt động. Đồng thời, với tính nguy hiểm và lây lan nhanh chóng, rộng rãi trong cộng đồng Covid-19 đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch toàn cầu và được Bộ y tế Việt Nam bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 tại Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020. Từ những phân tích này, DTD nhận định Covid-19 có thể được coi là “sự kiện bất khả kháng” theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tất nhiên, việc đánh giá cụ thể tình huống bất khả kháng còn phải xem xét tới các điều khoản thoả thuận cụ thể của Hợp đồng, cũng như các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan khác.

            Cụ thể hơn, đối với vấn đề này, pháp luật Thương mại Việt Nam (Luật Thương mại 2005) đã  có những quy định liên quan đến sự kiện bất khả kháng.. Cụ thể tại Điều 294 về Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm (Điều 294):

“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;”

 Và kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 296 Luật này.Theo đó, đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không thể hoàn thành hoặc thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại với đối tác có thể được miễn trách nhiệm khi bị cho là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng với đối tác của mình trong trường hợp này.

            Bên cạnh đó, một hợp đồng thương mại quốc tế sẽ liên quan đến các hệ thống pháp luật khác nhau. Vì vậy, cần phải xem xét cái nhìn của pháp luật quốc tế về sự kiện bất khả kháng mà cụ thể là đại dịch Covid-19 như hiện nay ra sao và phương hướng giải quyết như thế nào. Theo như thông tin tìm hiểu được, hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới và các văn bản pháp lý quốc tế đều đưa ra và thừa nhận “sự kiện bất khả kháng” là một trong những trường hợp loại trừ hợp đồng. 

            Trong bài viết này, DTD xin đưa ra quy định về “sự kiện bất khả kháng” của Phòng thương mại quốc tế ( International Chamber of Commerce, IIC). ICC đã đưa ra “ICC Force Majeure Clause 2003” [1] (“Điều khoản bất khả kháng của ICC năm 2003”) kết hợp khả năng dự đoán các sự kiện bất khả kháng được liệt kê với một công thức bất khả kháng chung nhằm mục đích nắm bắt các tình huống nằm ngoài các sự kiện được liệt kê. Các sự kiện khách quan được liệt kê không đầy đủ theo Khoản 3 của “ICC Force Majeure Clause 2003” như sau:

[1] https://iccwbo.org/publication/icc-force-majeure-clause-2003icc-hardship-clause-2003/

            “(a) Chiến tranh mặc dù có tuyên bố hay không, nội chiến, nổi loạn và cách mạng, hành động cướp bóc, hành động phá hoại;

            (e) Tình trạng bất ngờ, bệnh dịch, dịch bệnh, thiên tai như nhưng không Giới hạn trong cơn bão dữ dội, lốc xoáy, bão, bão, lốc xoáy,bão tuyết, động đất, hoạt động núi lửa, lở đất, sóng thủy triều, sóng thần, lũ lụt, thiệt hại hoặc phá hủy bởi sét, hạn hán.

 


Theo điều khoản này, DTD hiểu “ICC Force Majeure Clause 2003” có thể ghi nhận Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng khi mà nó nằm trong danh mục liệt kê của các sự kiện được coi bất khả kháng có thể xảy ra. Ngoài ra, điều khoản miễn trách nhiệm - “ICC Force Majeure Clause 2003” có thể được áp dụng trong bất kỳ hợp đồng thương mại quốc tế nào theo sự thỏa thuận của các bên, đồng thời nó cũng được khuyến khích để đưa vào làm một điều khoản của các hợp đồng mang tính quốc tế. 

            Như đã biết, hợp đồng thương mại quốc tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ thương mại quốc tế. Hợp đồng thương mại quốc tế có rất nhiều loại, chẳng hợp như mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ….[1] Với tính chất quốc tế cao, hợp đồng thương mại quốc tế có thể được áp dụng hệ thống pháp luật của các nước khác nhau để giải quyết khi xảy ra tranh chấp tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên. Do đó, việc giải quyết “sự kiện bất khả kháng” của các doanh nghiệp đối với các hợp đồng thương mại phải dựa trên sự thỏa thuận của hai bên và pháp luật đã thống nhất áp dụng để giải quyết.

            Đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia các giao dịch thương mại quốc tế trong giai đoạn này , có thể áp dụng pháp luật thương mại Việt Nam để xem xét, giải quyết việc miễn trách nhiệm khi có hành vi vi phạm (Điều 294, Điều 296 Luật Thương mại 2005) trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Ngược lại, nếu các bên lựa chọn áp dụng pháp luật của nước khác thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật nước đó về sự kiện bất khả kháng để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.  

            Trên đây là tất cả những phân tích khái quát của DTD về phương hướng giải quyết đối với hợp đồng thương mại quốc tế khi xảy ra sự kiện bất khả kháng – đại dịch Covid-19 hiện nay. DTD mong muốn những phân tích này sẽ có thể góp phần giúp các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng này có thêm căn cứ và cơ sở để đưa ra phương án giải quyết nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích kinh tế cho mình trong bối cảnh suy thoái như hiện nay. Đồng thời DTD cũng hy vọng rằng tất cả các doanh nghiệp và mọi công dân Việt Nam cùng chung tay tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội, đẩy lùi dịch đại dịch, sớm ngày đưa nền kinh tế Việt Nam “nhộn nhịp” trở lại.

 


[2] https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1251

Bài viết liên quan

Thông báo