DOANH NGHIỆP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO COVID - 19 THEO PHÁP LUẬT  VIỆT NAM HIỆN HÀNH

DOANH NGHIỆP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO COVID - 19 THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

DOANH NGHIỆP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO COVID - 19 THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH 

1. Tình hình dịch bệnh chung và đánh giá về tình trạng doanh nghiệp hiện tại. Nêu ví dụ trong một số ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 

Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại số lượng người nhiễm virus này và số ca tử vong trên thế giới đã khiến WHO phải tuyên bố Covid 19 là đại dịch toàn cầu. Con số này có thể sẽ còn gia tăng chóng mặt nếu như các quốc gia trên thế giới không có biện pháp kiểm soát kịp thời. 

Việt Nam cũng đang phải chịu những hậu quả tiêu cực mà Covid 19 gây ra, không chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe người dân mà nền kinh tế của cả nước cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khối các doanh nghiệp tư nhân. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2020 có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, những ngành được dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất là hàng không, du lịch, khách sạn, nông nghiệp, vui chơi giải trí. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý việc tạm dừng miễn thị thực đối với người Việt Nam trở về từ các quốc gia có dịch để ngăn chặn bùng nổ dịch Covid-19 tại Việt Nam từ tháng 03/2020. Động thái này đã khiến cho một số ngành của nước ta có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng. 

2. Pháp luật bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp dịch bệnh.

2.1. Quyền của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động

Tuy chưa có hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh song dựa trên tình hình thực tế, Chính phủ cũng đã có những chính sách tích cực hướng đến doanh nghiệp nhằm đảm bảo và duy trì nền kinh tế ổn định. Như đã phân tích trong bài viết trước liên quan đến quyền lợi của người lao động, có thể thấy rằng, người lao động là một trong những ảnh hưởng lớn đối với những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trước thách thức của dịch bệnh. Rất may, khi pháp luật đã có những quy định cụ thể đối với tác động của dịch bệnh liên quan đến người lao động. Cụ thể theo đó, doanh nghiệp được phép: 

Thứ nhất, được quyền tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác theo  Khoản 1 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012:

“1. Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;

…”

Thứ hai, được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do bất khả kháng cùng với những điều kiện ràng buộc theo sau:

“ 1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Thứ ba, trả lương hoặc không phải trả lương cho người lao động nếu có thỏa thuận theo Khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động năm 2012:
Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

2.2. Liên quan đến vấn đề khác

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có thể tạm dừng hoạt động hoặc thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, cụ thể: 

- Tổ chức lại doanh nghiệp: các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được quy định từ Điều 192 đến Điều 199 Luật Doanh nghiệp năm 2014 bao gồm: chia, tách, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp có thể thay đổi loại hình công ty từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và ngược lại hoặc từ doanh nghiệp tư nhân có thể đổi thành công ty TNHH. Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty được chuyển đổi chấm dứt tồn tại; công ty chuyển đổi được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ về tài sản khác của công ty được chuyển đổi. 

- Tạm dừng hoạt động: Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh theo Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh lần thứ nhất không được quá 01 năm và phải thông báo tới Cơ quan đăng ký kinh doanh. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 02 năm.

3. Các chính sách của Nhà nước bảo vệ Doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình “Chia sẻ cùng doanh nghiệp”, các gói tín dụng quy mô lớn để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay. Bên cạnh đó thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay,...

Giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sớm có điều chỉnh lãi suất điều hành, áp dụng với ngân hàng thương mại, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, OMO. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5- 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thứ hai, miễn, giảm thuế, phí, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, gia hạn nộp tiền thuê đất cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19.

Theo Điều 49 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 Luật số 71/2014/QH13) quy định: Gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ”. Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được gia hạn, tức là chậm nộp trong 5 tháng. Ước tính tổng số tiền thuế được giãn nộp là khoảng 30.000 tỷ đồng.

Thứ ba, hạn chế thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đang phải nỗ lực khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Thủ tướng yêu cầu xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 về thuế, hải quan đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và quý 2-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý… Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt.

Bài viết liên quan

Thông báo