ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TẠI VIỆT NAM

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TẠI VIỆT NAM

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TẠI VIỆT NAM

Khi nhắc đến cụm từ bán hàng đa cấp, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là lừa đảo. Tuy nhiên, kinh doanh bán hàng đa cấp không phải là lừa đảo, tổ chức kinh doanh đa cấp đã biến tướng nó, lợi dụng nó để lừa đảo. Vì vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về kinh doanh bán hàng đa cấp để có cơ chế kiểm soát hoạt động này, tránh những biến tướng, rủi ro cho các bên tham gia. Vậy, điều kiện kinh doanh bán hàng đa cấp gồm những điều kiện nào? Các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện gì? Trong bài viết này, DTD sẽ giúp quý khách hàng giải đáp vấn đề nêu trên.

1. Kinh doanh theo phương thức đa cấp là gì?

Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đưa ra các khái niệm liên quan đến bán hàng đa cấp như sau:

“Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.

“Người tham gia bán hàng đa cấp” là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

“Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp” là thỏa thuận bằng văn bản về việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp giữa cá nhân và doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Như vậy, có thể thấy rằng, mô hình kinh doanh đa cấp khá rộng với mạng lưới người tham gia lớn. Vì vậy việc hiểu rõ khái niệm cũng như bản chất của kinh doanh đa cấp là rất quan trọng, là cơ sở để việc hoạt động kinh doanh được thuận lợi và phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Điều kiện kinh doanh theo phương thức đa cấp

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau khi kinh doanh bán hàng đa cấp:

2.1. Điều kiện về thành lập doanh nghiệp

Để hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, các tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp có thể được tồn tại dưới các hình thức: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,...

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Chỉ có doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp. Các tổ chức, cá nhân khác đều không được kinh doanh bán hàng đa cấp. Doanh nghiệp theo quy định này không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này phải có thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

2.2. Điều kiện về vốn

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó phải thực hiện hoạt động ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong một số trường hợp được pháp luật quy định. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng.

Việc ký quỹ được xác nhận bằng văn bản của ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ.

2.3. Các điều kiện khác

Ngoài các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đảm bảo các điều kiện như sau:

+ Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; quy tắc hoạt động; kế hoạch trả thưởng; chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

+ Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp; trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Bao gồm các thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp như sau: Thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp; thông tin về hợp đồng bán hàng đa cấp; thông tin về lịch sử mua hàng của người tham gia bán hàng đa cấp;… (Điều 44 Nghị định 40/2018/NĐ-CP)

Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp phải có những nội dung cơ bản sau: Các tài liệu về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp; thông tin về doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp;… (Điều 45 Nghị định 40/2018/NĐ-CP)

+ Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

+ Người tham gia bán hàng đa cấp phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp sẽ phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP và nộp tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương.

Như vậy, việc kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép, tuy nhiên các cá nhân, tổ chức cần nắm rõ các quy định của pháp luật để hoạt động kinh doanh đa cấp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bài viết liên quan

Thông báo